Tư tưởng chủ đạo Duy-ma-cật_sở_thuyết_kinh

Khung cảnh của kinh này thuật lại hoàn cảnh Duy-ma-cật đang lâm bệnh tại nhà. Bệnh của ông được hiểu như một sự khéo léo trong lúc áp dụng phương tiện (sa. upāyakauśalya) dạy người. Phật cử nhiều đại đệ tử đi đến nhà ông hỏi thăm nhưng tất cả đều khước từ. Cách hiểu sai lầm của họ về giáo lý đã được Duy-ma-cật chỉnh lại và vì thế họ hổ thẹn, không dám đại diện Phật đến hỏi thăm. Giáo lý của kinh này được trình bày rõ nhất trong chương thứ ba. Bài dạy cho Xá-lợi-phất ngay đầu chương đã đưa ngay lập trường của thiền Đại thừa, đặc biệt là Thiền như Thiền tông chủ trương. Trong kinh, Tôn giả Xá-lợi-phất thưa với Phật (III.3, Chân Nguyên dịch Phạn-Việt):

Nguyên văn tiếng Phạn

na bhadanta śāriputraivaṃ pratisaṃlayanaṃ saṃlātavyaṃ yathā tvaṃ pratisaṃlīnaḥ | api tu tathā pratisaṃlīyaś ca yathā traidhātuke na kāyaś cittaṃ vā saṃdṛśyate | tathā pratisaṃlīyaś ca yathā nirodhāc ca na vyuttiṣṭhasi sarveryāpatheṣu ca saṃdṛśyase | tathā pratisaṃlīyaś ca yathā prāptilakṣaṇaṃ ca na vijahāsi pṛthagjanalakṣaṇeṣu ca saṃdṛśyase | tathā pratisaṃlīyaś ca yathā te na cādhyātmaṃ cittam avasthitaṃ bhaven na bahirdhopavicaret | tathā pratisaṃlīyaś ca yathā sarvadṛṣṭigatebhyaś ca na calasi saptatriṃśatsu ca bodhipakṣyeṣu dharmeṣu saṃdṛśyase | tathā pratisaṃlīyaś ca yathā saṃsārīva caraṃś ca kleśān na prajahāsi nirvāṇasamavasaraṇaś ca bhavasi | ye bhadanta śāriputra evaṃ pratisaṃlayanaṃ pratisaṃlīyante teṣāṃ bhagavān pratisaṃlayanam anujānāti |

Dịch nghĩa

Bạch Thế Tôn, con không đủ khả năng đến thăm Duy-ma-cật. Vì sao? Con nhớ một lần, khi con tĩnh toạ (sa. pratisaṃlīna) ở một gốc cây thì Duy-ma-cật đi đến chỗ gốc cây đó, và đến nơi, ông ta liền nói với con: "Này tôn giả Xá-lợi-phất, nếu ông ngồi yên lặng như thế thì không phải là cách tĩnh toạ đáng được thực hiện! Người ta nên tĩnh toạ bằng một cách mà qua đó không xuất hiện thân tâm trong Tam giới (sa. traidhātuka). Tĩnh toạ có nghĩa là thể hiện tất cả các uy nghi (sa. sarveryāpatha) mà không cần xuất diệt tận định. Tĩnh toạ có nghĩa là xuất hiện với tướng của phàm phu (sa. pṛthagjanalakṣaṇa), nhưng lại không buông xả các tướng đã thành đạt. Tĩnh toạ đây có nghĩa là tâm của ông không trụ bên trong và cũng không lăng xăng bên ngoài. Tĩnh toạ có nghĩa là không lìa những lý thuyết [sai lầm] mà vẫn xuất hiện trong 37 bồ-đề phần. Tĩnh toạ có nghĩa là ông - với tư cách một người đi trong luân hồi (sa. saṃsārin) - không buông xả các phiền não mà vẫn nhập niết-bàn. Này tôn giả Xá-lợi-phất, những ai thực hiện công phu tĩnh toạ như thế sẽ được Thế Tôn thừa nhận là thật sự tĩnh toạ."

Trong chương thứ tư, khi được Văn-thù hỏi thăm vì sao bệnh và thế nào thì hết được, Duy-ma-cật nhân đây giảng rõ về đạo hạnh của một vị Bồ Tát cho tất cả cùng nghe. Và có lẽ tư cách, hình tượng của một Bồ Tát không được kinh văn nào miêu tả hay hơn trong hai đoạn kinh sau (IV.6-7):

Nguyên văn tiếng Phạn

vimalakīrtir āha | yāvac ciram upādāya mañjuśrīr avidyā bhavatṛṣṇā ca tāvac ciram upādāya mamaiṣa vyādhiḥ | yadā ca sarvasattvā vigatavyādhayo bhaviṣyanti tadā mama vyādhiḥ praśrabdho bhaviṣyati | tat kasmād dhetoḥ | sattvādhiṣṭhāno hi mañjuśrīr bodhisattvasya saṃsāraḥ saṃsāraniśritaś ca vyādhiḥ | yadā sarvasattvā vigatavyādhayo bhaviṣyanti tadā bodhisattvo `rogo bhaviṣyati |tad yathā mañjuśrīḥ śreṣṭhina ekaputrako glāno bhavet tasya mātāpitarāv api glānau syātāṃ | tāvac ca duḥkhitau bhavetāṃ | [yāvan nāśāv ekaputrakaḥ | tayo vigatayo vyādhiḥ syād] | evaṃ mañjuśrīr bodhisattvasya sarvasattveṣv ekaputrakaprema sa sattvaglānyena glāno bhavati sattvārogyā tv arogaḥ | yat punar mañjuśrīr evaṃ vadasi kutaḥ samutthito vyādhir iti mahākaruṇāsamutthito bodhisattvānāṃ vyādhiḥ |

Dịch nghĩa

Duy-ma-cật nói: Này Văn-thù-sư-lợi, chừng nào vô minh (sa. avidyā) và hữu ái (sa. bhavatṛṣṇā) còn thì chừng đó tôi còn bệnh. Nếu tất cả chúng sinh không còn bệnh thì tôi lúc đó hết bệnh. Vì sao? Đối với một Bồ Tát thì luân hồi (sa. saṃsāra) là chỗ trú của chúng sinh và căn bệnh chính là cái dựa vào luân hồi. Nếu bây giờ tất cả chúng sinh hết bệnh thì Bồ Tát cũng sẽ hết bệnh.Này Văn-thù-sư-lợi, ví như đứa con trai duy nhất của một trưởng giả bị bệnh. Cha mẹ của hắn cũng sẽ bị bệnh và bệnh mãi khi nào đứa con trai này còn bệnh. Này Văn-thù-sư-lợi, Bồ Tát thương chúng sinh như thương đứa con trai duy nhất. Ông ta bệnh khi chúng sinh bệnh, và ông ta hết bệnh, khi chúng sinh hết bệnh. Để trả lời câu hỏi trước đây của ông, bệnh của Bồ Tát từ đâu đến, thì ta nói đây: Bệnh của Bồ Tát xuất phát từ lòng đại bi (sa. mahākaruṇā).

Quan niệm trọng yếu của kinh này là tính không (sa. śūnyatā) của tất cả các pháp. Trong tính không này thì cả Hữu lẫn Vô đều được hợp nhất. Bất nhị (sa. advaya) là nền tảng của giáo lý trong kinh này thế nhưng, bất nhị rất khó diễn bày. Ba mươi hai vị Bồ Tát (chương 8) đều không trình bày nổi. Ngay cả Bồ Tát Văn-thù-sư-lợi (sa. mañjuśrī) - hiện thân của trí huệ siêu việt - cũng không giải thích nổi bởi vì ngôn ngữ không thể diễn bày Pháp môn bất nhị này. Chỉ có Duy-ma-cật giãi bày bằng sự im lặng, một sự im lặng sấm sét (mặc như lôi 默如雷). Im lặng ở đây không phải là không hiểu, không diễn bày mà chính là ngôn ngữ tuyệt đỉnh, ngôn ngữ duy nhất có thể trình bày cái Bất khả tư nghị (sa. acintya).

Ngoài ra, kinh này còn minh họa rất sinh động cách sống của người Phật tử để nhắm đến giải thoát và cách áp dụng tri kiến về tính không trong cuộc sống hàng ngày, được Phật tử tại Đông Á, Đông Nam Á rất ưa chuộng và tụng đọc. Rất nhiều bài luận chú được viết và nổi tiếng nhất là: Chú Duy-ma (zh. 注維摩) của Tăng Triệu, 10 quyển; Duy-ma kinh huyền sớ (zh. 維摩經玄疏) của Trí Khải, 6 quyển; Duy-ma kinh nghĩa sớ zh. 維摩經義疏 của Cát Tạng. Tại Nhật, Thánh Đức Thái tử (zh. 聖德太子, 574-662) đã viết một bài luận quan trọng về kinh này dưới tên Duy-ma kinh nghĩa sớ (zh. 維摩經義疏). Ông dùng bản dịch của Cưu-ma-la-thập và có lẽ vì vậy, bản dịch này được sử dụng nhiều hơn hết tại Đông Á.